Yukimono Forum »   » Chuyên Mục » Đọc Truyện » Sưu tầm » Truyện dân gian

Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:44

#11
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Củi đậu đun hột đậu





Đời Tam Quốc (220-264), Tào Thực tự Tử Kiến là con thứ ba của Tào Tháo, vốn có tài làm thơ hay, được tiếng là đệ nhất thi nhân đời Tần-Hán nhưng có tính phóng túng. Tào Tháo thương lắm nhưng không thể truyền ngôi cho một chàng giàu tâm hồn nghệ sĩ ấy được.

Tháo chết, truyền ngôi cho con cả là Tào Phi. Thực bản tính ngông nghênh bất phục, có ý chống lại ông vua anh. Phi giận lắm, truyền người bắt Thực đến định làm tội. Nhưng vì yêu tài Thực nên Phi bảo:

- Ta với mày tuy tình anh em nhưng nghĩa vua tôi, sao dám cậy tài miệt lễ? Ngày tiên quân còn, mày thường đem văn chương khoe giỏi lòe đời. Ta rất nghi, có lẽ mày nhờ người khác làm giúp. Vậy giờ đây ta ra hạn: đi bảy bước phải làm xong một bài thơ. Nếu làm được thì tha tội chết; bằng không xong, ta quyết chẳng dung.

Thực nói:

- Xin ra đề cho.

Trên điện sẵn có treo bức tranh thủy mặc, vẽ hai con trâu chém nhau bên bức tường đất. Một con rơi xuống giếng chết. Tào Phi trỏ vào bức tranh, bảo:

- Hãy lấy bức họa kia làm đề. Nhưng trong thơ cấm phạm vào những chữ "Ngưu", "Đẩu", "Tường", "Trụy", "Tỉnh", "Tử" (Trâu, chọi, tường, rơi, giếng, chết).

Thực đi khoan thai. Vừa hết bảy bước, liền cất tiếng ngâm:

Hai tấm thân đi đường,
Trên đầu bốn khúc xương.
Gặp nhau tựa sườn núi.
Bỗng đâu nổi chiến trường.
Đôi bên đua sức mạnh,
Một địch lăn xuống hang.
Đâu phải thua kém sức,
Chẳng qua sự lỡ làng.


Nguyên văn:

Lưỡng nhục tề đạo hành,
Đầu thượng đới ao cốt.
Tương ngô do sơn hạ,
Huất khởi tương đường đột.
Nhị địch bất câu cương,
Nhất nhục ngọa thổ quật.
Phi thị lực bất hư,
Thịnh khí bất tiết tất.


Tào Phi cùng tất cả quần thần đều giựt mình, nức nở khen. Phi lại hỏi:

- Bảy bước thành thơ, ta còn cho là nhàm. Mày có thể ứng khẩu đọc ngay một bài được chăng?

Thực đáp:

- Xin ra đề cho.

Phi nói:

- Ta với mày là anh em. Cứ lấy câu đó làm đầu đề. Nhưng cấm dùng hai chữ "Huynh", "Đệ".

Thực chẳng cần nghĩ ngợi một giây, ứng khẩu đọc ngay:

Củi đậu đun hột đậu
Đậu trong nồi khóc kêu:
Cùng sinh trong một gốc, 
Bức nhau chi đến điều.


Nguyên văn:

Chữ đậu nhiên đậu cơ,
Đậu tại phẩu trung khấp.
Bản thị đồng căn sinh,
Tương tiễn hà thái cấp.


Phi nghe cảm động, sa nước mắt, liền tha cho, nhưng giáng Tào Thực làm An Hương Hầu.

Ở Việt Nam trong thời Tây Sơn (1771-1802), hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xuýt đánh nhau để tranh quyền. Nguyễn Nhạc yếu thế, phải khóc nói với em:

- Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn?

Nghĩa là: nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ? Nên Nguyễn Huệ cảm động rồi cả hai hòa nhau.

Ở tỉnh Bình Định, mỗi khi người ta đi săn được hươu nai gì thì lột da ra làm nồi mà nấu thịt. Do đó ca dao Bình Định có câu:

Da nai mà nấu thịt nai,
Việc đời như thế không ai động lòng.
Thịt nai mà chín bên trong,
Da nai cũng cháy còn mong nỗi gì!


Cảm động lời nói của Nguyễn Nhạc, người Bình Định đem lời đó diễn bằng câu ca dao:

Lỗi lầm anh vẫn là anh,
Nồi da xáo thịt sao đành hỡi em?


Đời nhà Nguyễn (1802-1945) vua Tự Đức giết anh là Hồng Bảo để củng cố địa vị ngai vàng của mình. Một hôm, trong một buổi chầu, nhà vua vô ý để răng cắn nhằm lưỡi mới khiến quần thần làm bài thơ chơi, nhưng trong thơ cấm dùng tiếng "Răng", "Lưỡi".

Đây là bài thơ của cụ Nguyễn Hàm Ninh:

Ngã sinh chi sơ nhữ vị sinh,
Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh.
Bất tư cộng hưởng trân cam vị;
Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình.


Tạm dịch:

Thuở tớ sinh ra, mày chửa sinh,
Mày sinh sau tớ, tớ là anh.
Ngọt bùi chẳng nghĩ cùng nhau hưởng,
Xương thịt đành tâm nỡ dứt tình.


Nhà vua khen hay, thưởng một chữ một nén vàng; nhưng vì cho bài có ý "móc", nên bắt phạt mỗi chữ đánh một roi.

"Củi đậu đun hột đậu", "Nồi da xáo thịt", "Răng cắn lưỡi" thành ngữ điển tích này đều có một ý nghĩa như nhau.

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:45

#12
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Bi ca tán Sở





"Bi Ca Tán Sở" là một bài hát do Trương Lương đặt ra cho hòa theo tiếng tiêu thổi để làm tan rã quân đội Sở Bá Vương Hạng Võ.

Trương Lương tự Tử Phòng, người nước Hán, đời Tần Hán (221 trước - 195 sau Dương lịch), phò Hán Bái Công Lưu Bang. Lúc bấy giờ, Hạng Võ bị tướng soái nhà Hán là Hàn Tín bao vây tại Cửu Lý San ở phía bắc thành Từ Châu. Tuy lâm vào tình thế nguy ngập: thiếu lương, nhưng bên cạnh vua còn 8 ngàn tử đệ theo từ lúc ban đầu, ở vào lúc cùng, họ quyết tử chiến mở con đường máu, thẳng về Giang Đông tu chỉnh binh mã để tiếp tục cuộc chiến đấu.

Như vậy là một mối nguy cho Hán, dù có đại thắng bằng binh lực tất phải trả một giá rất đắt bằng xương máu. Vì thế, Trương Lương hiến kế là tìm cách phân tán 8 ngàn tử đệ để cô lập Hạng Võ. Có thế mới bắt Hạng Võ được.

Trương Lương liền thừa lúc đêm khuya thanh vắng, trời cuối thu lạnh lẽo, Trương đi qua lại từ Kê Minh san đến Cửu Lý san, vừa thổi tiêu vừa hát:

"Tiết trời cuối thu chừ, bốn phía đầy sương.
Trời cao nước cạn chừ, tiếng nhạn bi thương
Cực người biên thú chừ, ngày đêm bàng hoàng,
Thoát gươm mắc tên chừ, sa mạc phơi xương.
Mười năm xa quê chừ, cha mẹ đau buồn.
Vợ con mong nhớ chừ, gối chiếc chăn đơn.
Đồng ruộng bỏ hoang chừ, ai người trông nom.
Xóm có rượu ngon chừ, cùng ai thưởng thức,
Tóc bạc mong con chừ, tựa cửa sớm hôm,
Trẻ khóc gọi cha chừ, nước mắt trào tuôn.
Gió bấc kia thổi chừ, ngựa Hồ nhớ chuồng.
Người xa quê hương chừ, nỡ quên xóm làng,
Một sớm giao phong chừ, thân bỏ sa tràng,
Xương thịt như bùn chừ, trên bãi trong mương.
Hồn phách bơ vơ chừ, không nơi tựa nương,
Tráng khí lừng danh chừ, phó trả hoang đường.
Đêm trường canh vắng chừ, tự hỏi thiên lương,
Mau bỏ Sở tan chừ, tránh chết tha phương,
Ta vâng ý trời chừ, soạn ca thành chương,
Ai biết mạng trời chừ, xin đừng mờ màng,
Hán Vương nhân đức chừ, không giết quân hàng.
Ai muốn về quê chừ, tha cho lên đường,
Chớ giữ trại không chừ, Sở đã tuyệt lương
Khi Võ bị bắt chừ, ngọc đá khôn lường.
Mượn tiếng Sở chừ, khuyên quân Sở hàng,
Phổ thành điệu nhạc chừ theo sáu cung.
Tiếng tiêu Tử Tư chừ nơi Đan Dương
Khúc hát Trâu Diễn chừ tại Yên Đường.
Tiếng tiêu vang chừ, chín từng mây.
Gió thu về chừ, cuối thu này,
Sở kia mất chừ, chạy đâu đây!
Thời không đợi chừ, nhanh tựa bay.
Lời ca chừ, ba trăm chữ dài
Câu câu chữ chữ rõ ràng thay.
Khuyên người nghe cho kỹ càng,
Chậm tính, uổng đời thân chiến binh.


(Dựa theo lời dịch của Hải Âu Tử)

Nguyên văn:

Cửu ngoạt thâm thu hề tứ dã phi sương,
Thiên cao thủy hạt hề hàn nhạn bi thương.
Tối khổ thú biên hề nhựt dạ bàng hoàng,
Phi kiên chấp nhuệ hề cốt lập sa cương.
Ly gia thập niên hề phụ mẫu sinh biệt.
Thê tử hà kham hề độc tú cô phường.
Tuy hữu du điền hề thục dữ chi thủ,
Lân gia tửu thục hề thùy dữ chi thường.
Bạch phát ỷ môn hề vọng xuyên thu thủy,
Trĩ tử ức niệm hề lụy đoạn can trường.
Hồ mã tư phong hề thượng chi luyến thổ,
Nhân sinh khách địa hề ninh vong cố hương
Nhất đán giao binh hề đạo nhẫn chi tử,
Cốt nhục vi nê hề suy thảo hào lương.
Hồn phách du du hề võng tri sở ỷ,
Tráng chí liêu liêu hề phó chi hoang đường.
Đương thử vĩnh dạ hề truy tư thoái!
Cấp tảo tán Sở hề thố tử thù phương.
Ngã ca khởi đản hề thiên khiển cáo nhử,
Nhữ kỳ tri mạng hề vật vị diêu mang.
Hán Vương hữu đức hề hàng quân bất sát,
Ai cáo qui tình hề phòng nhữ cao tường.
Vật chủ không doanh hề lương đạo dĩ tuyệt,
Chỉ nhật cầm Võ hề ngọc thạch câu thương.
Sở chi thanh hề tán Sở tốt.
Ngã năng xuy hề hiệp lục luật,
Ngã phi Tư hề phẩm Đan Dương.
Ngã phi Trâu hề ca Yên Thất
Tiên âm triệt hề thông cửu thiên.
Thu phong khởi hề Sở vong nhật.
Sở kỳ vòng hề nhữ yên quy
Thời bất đãi hề như lôi tật.
Ca hề ca hề tam bách tự.
Tự cú tự cú hữu thâm ý.
Khuyến quân mạc tác đẳng nhàn khan
Nhập nhĩ quan tâm đương thục kỳ.
Trương Lương tập quân Hán học tiếng Sở hát theo.


Canh khuya, đêm vắng, khí trời lạnh lẽo, lá vàng rụng bay lả tả, tiếng tiêu thâm trầm, giọng hát bi thảm đồng vọng vào dinh Sở. Ban đầu, Sở quân chỉ buồn bã than thở, nhưng sau cùng, nghe đến chừng nào thì càng cảm thấy như ruột gan tan nát, rồi nước mắt đầm đìa ... đoạn bàn nhau bỏ trốn.

Chỉ trong một đêm, tám ngàn tử đệ cùng quân sĩ các dinh, mười phần bỏ trốn hết bảy tám.

Binh Sở không đánh mà tự nhiên vỡ tan để Sở Vương phải ôm hận đầy lòng, buông lời than ai oán:

Lực bạt san hề khí cái thế,
Thời bất lợi hề chuy bất thệ...


Tạm dịch:

Sức nhổ núi chừ khí hơn đời,
Thời bất lợi chừ ngựa chẳng đi...

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:45

#13
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang




 Động Bích Đào






Ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, phía hữu núi Thần Phù có "Bích Đào động" cũng gọi là "Từ Thức động", trong trải rộng rãi mà lại thanh hư, cây cối xinh tốt. Trong động có bàn đá, có những viên đá nhỏ la liệt hình như con cờ. Những thạch nhũ rũ xuống hình như trống chuông, khẽ đánh có tiếng kêu. Lại có những thứ như màn trướng, lọng dù trông rất kỳ xảo, cảnh trí rất xinh đẹp.

Muốn vào trong hang động, phải nối đuốc mà đi. Nhưng cũng chưa ai đi cùng đến đáy.

Tương truyền trong niên hiệu Quang Thái (1388-1398) đời nhà Trần nước ta có ông Từ Thức là quan huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Bên cạnh huyện có một ngôi chùa có trồng một cây hoa mẫu đơn. Mỗi khi nở hoa thì người người các nơi đổ đến, xe ngựa dập dìu làm thắng hội thưởng hoa.

Trong khi mọi người nhìn ngắm hoa đẹp thì bỗng có một thiếu nữ tuổi độ mười lăm, mười sáu, dung nhan diễm lệ bước đến đưa tay vuốt lấy hoa. Nhưng chẳng may khi vịn lấy một cành thì cành giòn bị gẫy. Người giữ hoa giữ lại, bắt đền. Nàng không đền mà mãi đến tối cũng không có người thân quen đến nhận. Từ Thức thấy vậy động lòng thương xót, bèn cởi áo bạch cẩm cừu đưa cho nàng chuộc tội để được tha về.

Một thời gian sau, vì không muốn ràng buộc bởi lợi danh, Từ Thức bỏ ấn từ quan về ở huyện Tống Sơn. Rồi ngày ngày, Từ với một bầu rượu, túi thơ, chu du khắp chốn danh lam thắng cảnh. Một hôm nhìn thấy cửa biển Thần Phù có đám mây ngũ sắc kết lại hình như hoa sen, Từ vội chèo thuyền đến thấy một hòn núi rất đẹp, Từ sinh cảm khái, nhân đề một bài thơ:

Thiên chương bích thụ quải triêu đôn,
Hoa thảo nghinh nhân nhập động môn.
Bạng giản dĩ vô tăng thái dược,
Lâm lưu thặng hữu khách tầm nguyên.
Lữ du tư vị cầm tam lộng,
Điếu đỉnh sinh nhai nhất tửu tôn.
Nghĩ hướng Vũ Lăng ngư phủ vấn,
Tiền lai viễn cận thực đào thôn.


Bản nôm:

Đầu cành thấp thoáng bóng kim ô,
Hoa động vui mừng đón khách vô.
Cạnh suối nào là người hái thuốc?
Quanh nguồn chỉ có gã bơi đò.
Xênh xang ghế mát đàn ba khúc,
Đủng đỉnh thuyền câu rượu một vò.
Ướm hỏi Vũ Lăng chàng đánh cá,
Làng Đào đâu đó cách chừng mô.


Từ đề xong nhưng bỡ ngỡ chưa biết đường nào đi, thoạt thấy vách đá tách mở ra một chỗ tròn độ một thước. Từ chui vào chưa được vài bước thì vách đá khép kín lại. Đi được vài dặm, thấy sườn đá đứng cao như vách tường. Lần leo lên, mỗi bước lại thấy càng rộng. Đến chót núi thì có ánh mặt trời chiếu sáng, nhìn quanh bốn phía thấy một dãy lầu đài thiên nhiên cực kỳ xinh tốt như tranh vẽ.

Từ đương lấy làm ngạc nhiên, bỗng thấy có thanh y đồng nữ đến bảo:

- Phu nhân tôi xin mời tướng công vào.

Từ vâng lời. Thẳng vào thì thấy một tiên nga đương ngồi trên giường chạm thất bảo, bên cạnh có đặt một chiếc tháp nhỏ bằng đàn hương. Tiên nga mời Từ ngồi, đoạn ung dung bảo:

- Đây là hang động thứ sáu trong số 36 động ở Phù Lai. Thiếp đây là Ngụy phu nhân địa tiên Nam Nhạc, nghe nhà ngươi có cao nghĩa hay cứu trợ người khốn đốn, nên mới phiền bước đến đây.

Đoạn, phu nhân gọi A Nương đến.

Từ liếc nhìn, nhận ra là cô gái làm gãy hoa ngày trước. Phu nhân chỉ A Nương mà bảo Từ:

- Đó là con ta, tên Giáng Hương, khi trước nhờ người cứu việc làm gãy hoa, ơn ấy không quên nên ta muốn kết làm giai ngẫu để trả.

Lẽ cố nhiên, Từ rất vui lòng.

Ngay trong đêm ấy, phu nhân truyền thắp đèn mỡ phụng, trải chiếu vũ rồng, làm lễ giao bôi.

Thấm thoát đã được một năm.

Nhưng cảnh tiên không khuây khỏa được lòng trần. Từ bỗng động lòng nhớ cố hương nên ngỏ ý với Giáng Hương. Biết không giữ được, nàng đành thưa với mẹ. Phu nhân biết Từ còn nặng lòng trần tục nên bằng lòng cho chàng một chiếc cẩm vân xa để đi về. Riêng Giáng Hương thì giao cho chàng một phong thư, dặn về đến nhà hãy mở ra xem.

Đến nhà, cảnh cũ không còn như xưa, vật đổi sao dời, thành quách, nhân dân hoàn toàn khác trước; duy cảnh núi sông là còn như thuở độ nào. Từ đem tên họ mình mà hỏi thăm người già cả, thì có người nói:

- Thuở tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 60 năm.

Từ bấy giờ mới hậm hục bùi ngùi, muốn lên xe mây để về lối cũ, nhưng xe đã hóa ra con tường loan bay mất rồi. Từ mở thư của Giáng Hương xem thì thấy có câu: "Kiết loan lữ ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn; phỏng tiên sơn ư hải thượng, hậu hội vô nhân" (Kết bạn loan ở trong mây, duyên trước đã dứt; tìm núi tiên ở trên biển, hội sau khôn cầu). Ý nói: duyên trước kết đôi loan phụng cùng nhau nay đã đoạn tuyệt rồi; ngày sau muốn tìm lại núi tiên cũng không được.

Về sau, Từ Thức mặc áo khinh cừu, đội nón lá, vào núi Hoàng Sơn ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) rồi đi mất.

Lê Quí Đôn, đời Hậu Lê, có vịnh bài thơ:

Câu chuyện thần tiên rất khó lường,
Bích Đào động nọ đã hoang lương.
Áo bông gió bụi: thân Từ Thức,
Mày liễu xuân tàn: sắc Giáng Hương.
Trống đá ngày qua nghe tiếng động,
Nhủ diêm sương nhuộm mất mùi thường.
Thiên thai mộng tưởng cho thêm khổ,
Ai biết thiên thai cũng hí trường.


Nguyên văn:

Hải thượng quần tiên sự diếu mang,
Bích Đào động khẩu thái hoang lương.
Kiều khôn nhất cát cùng Từ Thức,
Vân thủy song nga lão Giáng Hương.
Thạch cổ hữu thanh xao hiểu nhật,
Sa diêm vô vị niết thu xương.
Thế nhân khổ tác Thiên thai mộng.
Thùy thức Thiên thai diệc hí trường.
Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:46

#14
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Đông sàng với thiếp Lan Đình





Đời nhà Tấn (265-419) có quan Thái Úy tên Khước Giám muốn chọn một người rể hiền, mới cho người đến trường của Vương Đạo xem trong đám học sinh, có người nào xứng đáng không.

Lúc người nhà trở về, Khước Giám hỏi thì người ấy đáp:

- Học sinh giỏi thì đông, người nào nghe việc kén rể cũng sửa soạn áo quần bảnh bao, ganh đua nhau, ra dáng nề nếp; chỉ có một người không để ý đến, trật áo, tréo chân nằm ở giường phía đông.

Khước Giám bảo:

- Người ấy mới thật đáng rể ta.

Đoạn chọn làm rể. Người đó là Vương Hy Chi, sau làm quan đến chức Hữu quân, có tài viết chữ đẹp hơn cả thiên hạ.

"Đông sàng" là giường phía đông, chỉ người rể quý, "rể đông sàng".

Trong "Nhị độ mai" có câu:

"Có Tây Tử Đô, thiếu đông sàng nào" là do điển tích trên.

Vương Hy Chi, tự Dật Thiếu. Vì làm quan đến chức Hữu quân nên thường gọi là Vương Hữu Quân. 

Tương truyền Vương tập viết chữ bên bờ ao, sau nước ao đen ngòm những mực.

Lối chữ "Khải" của Vương được người đời cho là lối chữ đẹp nhất từ xưa đến nay.

Người đời thường khen bút thế của Vương "lướt như mây bay, mạnh như rắn lộn". Trong các bản bút thiếp của Vương để lại có bản "Lan Đình tập tự" viết ngày 3 tháng 3 năm Vĩnh Hòa thứ 9 đời nhà Tấn (337) được hậu thế quý trọng, cho làm mẫu mực để tập theo. Những bản "Lan Đình tập tự" có lưu hành nhưng có lẽ đó là những bản phỏng theo. Bản chính đã thất lạc từ sau đời nhà Đường (618-907).

Ngày nay, trong các lối chữ Hán có lối chữ "Lan Đình"; đó tức là lối chữ phỏng theo chữ viết của Vương Hy Chi trong "Lan đình tập tự".

Trong "Đoạn trường tân thanh" của Nguyễn Du, đoạn nói về Kiều bị Hoạn Thư cho ra tu ở Quán Âm các để chép kinh, Hoạn Thư khen chữ viết của Kiều, có câu:

Khen rằng: "Bút pháp đã tinh
So vào với thiếp Lan Đình nào thua!

Ý nói chữ viết tốt ngang với chữ của Vương Hy Chi.

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:46

#15
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Khúc trường tương tư




Đời Hậu Chu, thời Ngũ Quý (905-955), ở tỉnh Hồ Nam vùng sông Tiêu Tương có nàng Ý Nương, con gái của Lương công. Nàng có sắc đẹp lại hay chữ. Ở trọ nhà có chàng Lý Sinh, một hàn sĩ mỹ mạo tuấn tú.
Nhân một đêm Trung Thu, Ý Nương thưởng trăng bỗng gặp Lý Sinh. Trai tài gái sắc gặp nhau, trao đổi tâm tình. Từ đó cả hai thường tìm cách lui tới.

Lương công biết được, tức giận đuổi Lý Sinh đi. Ý Nương lấy làm đau đớn, từ đó sinh ra bịnh tương tư triền miên, mới làm bài khúc "Trường tương tư" mong gởi nguồn tâm sự cho người yêu biết. Trong bài có những câu rất lâm ly ai oán:

Người ta bảo sông Tương rất sâu,
Nhưng chưa bằng nguồn tương tư
Sông sâu còn có đáy,
Tương tư không bờ bến.
Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương.
Tương tư không gặp mặt,
Cùng uống nước sông Tương.
Hồn mơ bay chẳng tới
Chỉ thiếu một điều chết.
Ta vào cửa tương tư,
Mới biết tương tư đau khổ!


Nguyên văn:

Nhân đạo Tương Giang thâm,
Vị để tương tư bán.
Giang thâm chung hữu để;
Tương tư vô biên ngạn.
Quân tại Tương Giang đầu,
Thiếp tại Tương Giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang thủỵ
Mộng hồn phi bất đáo,
Sở khiếm duy nhất tử.
Nhập ngã tương tư môn,
Tri ngã tương tư khổ!


Lý Sinh tiếp được, đọc xong, cảm xót vô cùng, đầm đìa nước mắt. Chàng chạy nhờ mai mối đến năn nỉ với Lương ông, kể lể mối tình đầu, xin hỏi nàng làm vợ. Ông trước còn dùng dằng, sau đọc được khúc "Trường tương tư" của con, lấy làm cảm động nên đành vui lòng cho Sinh thành mối lương duyên.
Trong "Đoạn trường tân thanh" có câu:

Sông Tương một giải nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.


Và trong "Chinh phụ ngâm", bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm cũng có câu:

Chốn Hàm Dương, chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương, thiếp hãy trông sang...

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:47

#16
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Giảo thố tam quật





"Giảo thố tam quật" nghĩa là "con thỏ khôn có ba ngách hang". Ý nói: thỏ có ba ngách hang để tránh cho khỏi bị chết; cũng như con người phải có trí mưu tự tồn.

Câu này là do Phùng Huyên bày kế cho Mạnh Thường Quân.

Sách cổ văn có chép:

Phùng Huyên người nước Tề, đời Chiến Quốc (470-221 trước D.L.) làm thực khách ở cửa Mạnh Thường Quân là Tướng quốc nước Tề. Một hôm, Mạnh Thường Quân đưa sổ bộ ra hỏi các thực khách xem có người nào biết về việc kế toán, nhờ qua đất Tiết, là phong ấp của Thường Quân, để thu các mối nợ, thì xin ký tên vào sổ. Phùng Huyên nhận sổ ký tên. Thường Quân lấy làm lạ hỏi tên họ người ký là ai? Kẻ tả hữu đáp:

- Đó là người thường ca câu "trường hiệp quy lai".

"Trường hiệp" là cán gươm dài, "quy lai" là đi về. Nguyên trước khi ấy, họ Phùng có ba lần ca. Lần thứ nhất là:

"Ở đây không có cá, nên mang gươm dài đi về".

Lần thứ hai ca:

"Ở đây không có xe, nên mang gươm dài đi về".

Lần thứ ba ca:

"Ở đây không có nhà cho cha mẹ ở, nên mang gươm dài đi về".

Họ Mạnh cười, ân hận lỗi mình đã bạc đãi họ Phùng, nên cho người mời Phùng đến tạ:

- Văn này chìm đắm trong công việc quốc gia rất mỏi mệt, lòng lo rối loạn mà tính lại ngu đần, không rảnh gặp mặt, xin tạ tội cùng tiên sinh. Tiên sinh đã không lấy làm hổ thẹn, nay lại có ý muốn vì tôi đi thu nợ ở đất Tiết chăng?

Phùng thưa:

- Huyên nguyện đi.

Khi ra đi, họ Phùng hỏi: thu nợ xong rồi có cần mua vật gì? Mạnh bảo: xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về.

Phùng Huyên đến đất Tiết, cho người thuộc lại mời tất cả những người thiếu nợ đến đông đủ, rồi truyền rằng Mạnh Tướng quốc ra lịnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và, để cho mọi người tin tưởng, Phùng đem đốt hết những văn khế nợ. Dân đất Tiết vui mừng, tung hô vạn tuế.

Khi họ Phùng trở về, Thường Quân lấy làm lạ cho là đòi nợ cách gì mà mau chóng thế, mới hỏi:

- Thu nợ xong phải không?

- Thu xong cả.

- Có mua gì về không?

- Khi đi, Tướng công có bảo: nên mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ trong bụng 

Tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa, nhà sau la liệt những mỹ nhân, vậy vật mà Tướng công còn thiếu, chưa có là điều Nghĩa, nên tôi trộm lịnh mua điều Nghĩa đem về.

Thường Quân ngạc nhiên hỏi:

- Mua điều nghĩa thế nào?

Họ Phùng đáp:

- Tướng công nguyên trước được phong cho thực ấp ở đất Tiết là đất nhỏ mọn, mà không lo vỗ về thương yêu dân, lại còn mưu toan làm lợi. Vì vậy, tôi trộm lịnh xóa cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy cả văn khế, được dân chúng vui mừng tung hô vạn tuế. Ấy là tôi vì Tướng công mua được điều nghĩa vậy.

Thường Quân nghe nói không bằng lòng, nhưng phải bỏ qua.

Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm Tướng quốc nữa, phải về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tính đất Tiết, trai gái già trẻ đua nhau đến đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy, Mạnh quay lại Phùng Huyên mà bảo rằng:

- Tiên sinh vì Văn này mua điều nghĩa, ngày nay Văn mới trông thấy.

Phùng thưa:

- "Con thỏ khôn có ba cái ngách hang mới khỏi chết", nay Tướng công mới có một ngách hang, chưa được dựa gối nằm yên, tôi xin vì Tướng công đào thêm hai ngách nữa.

Mạnh nghe nói, liền ban 50 cỗ xe và 50 cân vàng để họ Phùng hoạt động. Họ Phùng liền tây du nước Lương, bảo vua Huệ Vương nước Lương rằng:

- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nước Tề nay bỏ Mạnh Thường Quân, nếu Lương dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi cho Tề được mà làm lợi cho Lương. Như vậy, Lương sẽ hùng mạnh mà Tề nguy mất.

Lương Huệ Vương bằng lòng khiến sứ giả dem 1000 cân vàng và 100 cỗ xe qua mời Thường Quân. Giữa lúc ấy, Phùng lại sang Tề, vào yết kiến Tề Mân Vương bảo:

- Được người hiền thì nước mạnh, bỏ người hiền thì nước yếu. Nay Tề bỏ Mạnh Thường Quân, nếu nước Lương hay một nước nào khác dùng làm tướng thì Mạnh Thường Quân sẽ đem những việc khả dĩ làm lợi được cho Tề mà làm lợi cho nước khác. Như vậy, nước khác sẽ hùng mạnh. Huống chi Mạnh trước kia ở Tề, những việc bí mật của Tề, Mạnh đều hiểu biết, như vậy dù muốn dù không Mạnh cũng dựa theo đó mà làm nguy Tề.

Mân Vương ngoài miệng tuy khen phải nhưng lòng còn do dự. Bỗng có quân báo nước Lương đương cho xe ngựa đi rước Mạnh Thường Quân về làm Tướng quốc, nên lập tức sai quan Thái Phó đem 1000 cân vàng và văn xa tứ mã (xe có vẽ vời và gác 4 ngựa) cùng một bảo kiếm, một phong thư đến xin lỗi Thường Quân và xin mời về làm tướng như cũ.

Sau khi vua Tề tái dụng Thường Quân, Phùng Huyên lại khuyên Mạnh nên thỉnh cầu cho đủ những đồ tế khí của tiên vương và xin lập nhà tôn miếu ở đất Tiết. Vì Mạnh vốn là dòng dõi của vua Uy Vương nước Tề, xong lập tôn miếu ở đất Tiết để thờ tiên vương làm căn bản vững vàng, sau này nước Tề chẳng những không dám đoạt đất Tiết, mà phải cứu trợ một khi đất Tiết bị nước khác xâm lăng.
Vua Tề không hiểu được mẹo của Phùng Huyên nên bằng lòng cho Mạnh thiết lập tôn miếu ở đất Tiết. Khi ấy họ Phùng bảo Mạnh:

- Ngày nay ba ngách hang đã đào xong, Tướng công có thể dựa gối cao mà nằm được yên vậy.

Mạnh Thường Quân làm Tướng quốc hơn vài mươi năm, không xảy ra chút mảy tai họa gì là nhờ mưu kế "Giảo thố tam quật" của Phùng Huyên.

"Ba ngách hang" của Phùng Huyên là: mua nghĩa, lập kế cho vua Tề tái dụng làm tướng, lập tôn miếu ở đất Tiết.

Thành ngữ "Giảo thố tam quật" chỉ con người cần phải có trí mưu để tạo nhiều điều kiện, nhiều phương tiện mới tự tồn được.

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:48

#17
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Đổi mỹ nhân lấy ngựa



Tô Đông Pha là một thi hào danh tiếng đời nhà Tống (950-1275). Ông có một cô hầu tuyệt đẹp tên Xuân Nương. Vì bất đồng ý kiến với Tể tướng Vương An Thạch nên bị nhà vua trích đi Hoàng Châu.
Lúc sắp lên đường, có người bạn làm chức quan Vận sứ họ Tưởng đến nhà Tô chơi để tiễn biệt.

Tô Đông Pha bảo Xuân Nương ra mời khách uống vài chén rượu, cảm khái biệt ly. Thấy Xuân Nương đẹp như tiên nga, họ Tưởng giựt mình hỏi:

- Cô bé này có đi theo bác không?

Tô bảo là Xuân Nương không muốn đi theo vì đường sá xa xôi khó nhọc nên xin trở về nhà nàng. Nhân đó, họ Tưởng nói:

- Vậy thì bác cho phép tôi đem con ngựa bạch tuyệt hay để đổi lấy cô Xuân được không?

Đông Pha ưng chịu.

Họ Tưởng lấy làm khoan khoái vô cùng, liền ứng khẩu làm bài thơ tứ tuyệt:

Tiếc gì con ngựa đẹp như mây,
Ơn bác cho tôi đổi gái này,
Giờ mất nhạt vàng rung bóng nguyệt,
Nhưng thêm má phấn bạn làng say.


Nguyên văn:

Bất tích sương mao võ tuyết đề,
Đẳng nhân phân phó tặng nga mi.
Tuy vô kim nặc tê minh nguyệt,
Khước hữu giai nhân bỗng ngọc bì.


Tô Đông Pha cũng ứng khẩu đáp lại:

Cô Xuân đi vậy cũng xa xăm,
Dầu chẳng kêu ca chớ giận ngầm.
Vì nỗi non sông nhiều hiểm trở,
Đổi người lấy ngựa phải đành tâm.


Nguyên văn:

Xuân Nương thử khứ thái thông thông,
Bất cảm đề thanh tại hận trung.
Chỉ vị sơn hành đa hiểm trở,
Cố tương hồng phấn hoán truy phong.


Xuân Nương nghe hai người đối đáp nhau và có một hành động khinh thường nàng như thế nên bực tức, đĩnh đạc nói:

- Tôi nghe ngày xưa vua Tề Cảnh Công muốn chém tên giữ chuồng ngựa mà Yến Tử cản ngăn. Chuồng ngựa nhà mình cháy, Khổng Phu Tử chỉ hỏi thăm có ai chết không, chớ không hỏi ngựa chết mất còn. Ấy là người ta quý người khinh vật. Nay học sĩ đem người đổi lấy ngựa, thì ra quý vật mà khinh người.

Đoạn, Xuân Nương cũng ứng khẩu làm một bài thơ:

Chém cha cái kiếp của đàn bà,
Khổ sướng trăm bề há bởi ta.
Giờ mới biết người thua giống vậy,
Sống làm chi nữa trách ai mà.


Nguyên văn:

Vi nhân mạc tác vị nhân thân,
Bá ban khổ lạc do tha nhân.
Kim nhật thủy tri nhân tiện súc,
Thử sinh cẩn hoạt oán thùy sân.


Đọc xong, nàng vội lao mình ra sân đập đầu vào cây mà chết.

Thấy thân xác nàng quằn quại trên vũng máu đào bên cội cây, cả hai vô cùng hối hận, nhìn nhau ngậm ngùi, nhỏ lệ. 

Nhưng đã muộn rồi.

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:49

#18
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Trường môn phú




Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh, người đất Thục đời Tiền Hán (206 trước D.L.-8 sau D.L.), rất đa tài, văn hay, đàn giỏi.

Ông nổi tiếng nhất về phú.

Nguyên Trần hoàng hậu bị vua Hán Vũ đế ghét bỏ đày ra Trường Môn. Sống lẻ loi trong thâm cung, nàng lấy làm đau đớn cho thân phận. Không biết làm thế nào tỏ hết nỗi lòng để mong nhà vua hồi tâm xe lại mối tơ duyên. Nghe Tư Mã Tương Như có văn tài, nàng nhờ người đem 100 lượng vàng đến, yêu cầu Tương Như viết một bài phú để dâng vua.

Tương Như bằng lòng.

Bài phú nhan đề là "Trường Môn phú", rất hay, lời lẽ vô cùng ai oán. Bài ấy có đoạn:

Sầu nhìn chung quanh mà rỏ lệ chừ, nước mắt ròng ròng chảy dọc ngang.
Ráng thở dài mà thêm thẹn chừ, xỏ giày đứng dậy mà bàng hoàng. 
Vung tay áo để che mặt chừ, nhớ ngày xưa lầm lỗi mà sinh tai ương.
Mặt mày coi tiều tụy chừ, buồn lòng mà lên giường.
Vò bông để làm gối chừ, trải cỏ thơm mà ướp hương.

Hốt ngủ quên mà nằm mộng chừ, phách như ở bên quân vương.
Chợt tỉnh mà chẳng thấy chừ, hồn hốt hoảng như mất vật gì.
Nghe gà gáy mà lòng rầu chừ, dậy coi trăng sáng long lanh.
Xem sao bầy hàng chừ, Tất, Mão hiện ở phương đông.
Nhìn ra sân lạnh lẽo chừ, như tháng chín trời gieo sương.
Đêm dằng dặc như năm chừ, lòng uất ức mà chẳng nguôi.
Lặng lẽ trăn trở đợi sáng chừ, trời hừng hừng đã rạng đông.
Thiếp trộm buồn tủi chừ, cho đến già chẳng dám quên.


Nguyên văn:

Tả hữu bi nhi thùy lệ hề, thế lưu ly nhi tung hoành.
Thư tức ấp nhi tăng hi hề, đồ lý khởi nhi bàng hoàng.
Du trường duệ dĩ tự ế hề, sổ tích nhật chi thiên ương.
Vô diện mục chi khả hiển hề, toại đồi tứ nhi tựu sàng,
Đoàn phân nhược dĩ vi chẩm hề, tịch thuyên lan nhi chi hương.
Hốt tẩm mị nhi mộng tưởng hề, phách nhược quân chi tại bàng.
Dịch ngộ giác nhi vô kiến hề, hồn cuống cuồng nhược hữu vong.
Chúng kê minh nhi sầu dư hề, khỏi thị nguyệt chi tinh quang.
Quan chúng tinh chi hàng liệt hề, tất mão xuất ư đông phương.
Vọng trung đình chi ái ái hề, nhược quí thu chi giáng sương,
Dạ mạn mạn nhước tuế hề, hoài uất uất kỳ bất khả tài canh.
Đạm yển kiển nhi đãi thự hề, khương đình đình nhi phục minh.
Thiếp nhân thiết tự bi hề, cứu niên tuế nhi bất khả cảm vương.


. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Xem qua bài phú, nhà vua cảm động, nghĩ ngợi, xót thương nên đem nàng về phục ngôi hoàng hậu.
Giá trị thay bài phú!

Nhưng bài phú chỉ giá 100 lượng vàng. Một trăm lượng vàng mua lại được lòng yêu dấu của đấng quân vương.

Trong "Nhị độ mai" của Vô Danh có câu: "Phú Tương Như dễ mấy vàng chuốc nên", là do điển tích trên.

 
Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:49

#19
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang


Trúc mai




Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn diễn tả lúc nàng Kiều bán mình chuộc cha, đành lỗi ước với Kim Trọng, nàng than thở có câu:

Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.


Và, đoạn diễn tả cảnh của Kiều lúc sống đầm ấm với Thúc Sinh:

Một nhà xum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông.

"Trúc mai" là cây trúc và cây bương.

Trúc thuộc một loại tre nhỏ. Bương là một giống tre to ở rừng. Lá to có thể dùng gói bánh. Thân to dùng làm cột nhà. Cây bương già có hoa, gần giống bông lau nhưng dài hơn, người ta gọi là bông mai, thường bó làm chổi, gọi là chổi bông mai. Mai này không phải cây mơ, nở hoa trắng về mùa xuân.
Măng bương to và mập, người ta gọi là măng mai. Trong ca dao "Lính thú ngày xưa" có câu:

Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng.


"Trúc mai" ở đây chỉ người bạn tình chung thủy. Vì trúc và mai là giống cây có đốt thẳng lóng ngay (tiết thẳng); và suốt đời không thay đổi đốt, lóng ấỵ Người ta mượn "trúc mai" để chỉ người bạn suốt đời \giữ được trọn tiết (tiết nghĩa đen là đốt, như đốt trúc), không thay lòng đổi dạ, không nghĩ quanh co (tre bao giờ cũng thẳng) tức là người giữ trọn được lời thề.

Hai người thề bồi với nhau, người này không giữ được lời thề, tức là mang nợ (lời thền) với người kia. 

Và, theo thuyết luân hồi của đạo Phật: người mắc nợ kiếp này thì kiếp sau phải làm trâu ngựa để trả cái nợ cho người chủ nợ, như thế là tức là người giữ trọn lời thề.

Hình dung bằng cây trúc, cây mai là những người trọn đời giữ vững lòng ngay tiết thẳng.

Nhưng "Trúc mai" còn có một nghĩa khác hơn.

Đây không phải là cây tre và cây mơ (bamboo et abricotier), cũng không phải là cây tre và cây bương.
Mà chính do tiếng "Mai trúc" đảo ngược. Nghĩa là Tre làm mai mối.

"Mai trúc" do điển tích chép trong sách "Lưỡng ban thu vũ am tùy bút":

Ở cửa sông Liêu Khê, huyện Long Môn, tỉnh Quảng Đông có một cái đầm (hồ), tên là "Đỗ Phụ đàm" (nghĩa là đầm đánh đố được vợ).

Tương truyền ngày xưa có một cậu và một cô bé trạc tuổi nhau, thường ngồi chơi bên mé đầm. Hai trẻ rất thân. Một hôm cả hai bảo nhau:

- Chúng ta bây giờ chơi thân nhau nhưng không biết có được thân với nhau mãi chăng? Đây rồi khi lớn lên, kẻ nơi người ngả.

Hai trẻ đều buồn. Nhưng rồi lại nghĩ ra một cách đánh đố nhau, chẻ một lóng tre ra làm đôi, mỗi người cầm một mảnh liệng xuống giòng nước, nguyền với nhau rằng: hễ hai thanh tre ấy mà trôi khép lại làm một thì hai bên kết làm vợ chồng. Có thế mối tình thân mật, gần gũi nhau được mãi mãi.

Cả hai thực hành, quả nhiên hai mảnh tre trôi xuôi và khép liền nhau như lóng tre chưa chẻ.

Thế là cô cậu lấy nhau làm vợ chồng. Và, đầm ấy có tên là "Đỗ Phụ đàm". Giống tre mọc ở trên bờ đầm gọi là "Mai trúc" nghĩa là giống tre làm mai mối.

Đời Thanh (1644-1909), thi hào Khuất Ông Sơn có thơ vịnh trúc mai:

Một đôi thanh trúc khép như in
Thanh trúc xe nên duyên bách niên.
Mai trúc trên đầm nay vẫn tốt,
Rườm rà cành nhánh cháu con hiền.


(Bản dịch của Vân Hạc Lê Văn Hòe.)
Nguyên văn:

Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngần,
Sinh trúc năng thành phu phụ ân.
Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ,
Chi chi từ hiếu cánh đa tôn.


"Một nhà xum họp trúc mai" là mai trúc ở chung nhau tức là vợ chồng xum họp, căn cứ vào điển cố trên.

Tiểu Tuệ

20/7/2013, 14:50

#20
  • Tiểu Tuệ

Tiểu Tuệ



Thành viên tích cực
Tham gia : 30/06/2013
Bài viết : 1778
Điểm plus : 100000002
Được thích : 375
Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang




 Lão tiều phu hay con hạc đen





Núi Na ở thôn Quần Ngọc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có chùa xưa, tục danh là Tiên am. Phía tả có động thâm u. Đời nhà Trần, Hồ (1225-1407) có một tiều phu ẩn cư ở đấy. Người ta gọi là Hoàng My tiên sinh.

Một hôm Hồ Hán Thương đi săn đến đấy, bỗng gặp một lão tiều phu vừa đi vừa hát:

Na chi sơn hữu thạch toàn ngoan
Thụ thương thương
Yên tịch mịch
Thủy sàn sàn
Triêu hề ngô xuất 
Mộ hề ngô hoàn
Hữu y hề chế kỹ,
Hữu bội hề nhận lan
Thát bài thanh hề bình hiểu chướng,
Điền hộ lục hề chẩm tình than.
Nhậm tha triều thị
Nhậm tha sa mã
Tri trần bất đáo thử giang san,
U thảo Tống triều cung kiếm
Cổ khâu Tấn đại y quan.
Vương Tạ phong lưu
Triệu Tào sự nghiệp,
Toán vãng cổ lai kim khanh tướng
Trạch triện đài man
Tranh như ngã trạo đầu nhất giác
Hồng nhật tam can.


Tạm dịch: (Bản dịch của Trúc Khê)

Núi Na đá mọc chênh vênh,
Cây tùm um, nước long lanh khói mờ.
Đi về hôm sớm thẩn thơ,
Mình dư áo lá, cổ thừa chuỗi hoa.
Non xanh bao bọc quanh nhà,
Ruộng đem sắc biếc xa xa diễu ngoài.
Ngựa xe võng lọng thây ai,
Nước non riêng chiếm, bụi đời khôn vương.
Áo đai đời Tấn gò hoang,
Kiếm cung triều Tống dưới làn cỏ xanh
Sự đời bao xiết mong manh,
Phong lưu Vương, Tạ, công danh Triệu, Tào
Từ xưa khanh tướng ngôi cao,
Đá mờ rêu phủ đã bao nhiêu rồi.
Sao bằng ta được thảnh thơi,
Giấc mai bừng tỉnh, mặt trời lưng không.


Hán Thương nghe hát cho đó là một vị ẩn giả, bèn truyền thị thần đi theo vào động. Thấy trên vách đá có đề hai khúc ca "Ái miên" (Thích ngủ) và khúc "Ái kỳ" (Thích đánh cờ), thị thần xin mời tiều phu về triều.

Tiều phu không bằng lòng nói:

- Nghiêm Tử Lăng không lấy chức Gián nghị ở Đông Đô mà đổi cái thú yên ba sông Đồng Lại. Khương Bá Duy không vì họa đồ của Thiên tử mà làm nhơ cái cảnh sơn thủy Bành Thành.

Sứ thần về tâu lại, nhưng Hán Thương bảo đi mời một lần nữa, mang theo một cỗ an xa, quyết mời cho kỳ được. Nhưng đến nơi chỉ thấy cửa động rêu mọc phủ cả, gai góc lấp mất đường đi, trên vách đá có hai câu thơ đề bằng nhựa cây:

Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,
Cao Vọng đầu khách tứ sầu


Nghĩa:

Cửa biển Kỳ La hồn sẽ dứt,
Đầu non Cao Vọng khách đeo sầu.


Sứ thần về kể lại; Hán Thương nổi giận, khiến người đến đốt núi ấy. Chỉ thấy một con hạc đen từ trong núi bay bổng lên, liệng múa giữa không trung, mà không thấy giấu tích tiều phu đâu cả.

Về sau, hai cha con họ Hồ là Quý Ly và Hán Thương đều bị xảy ra tai họa đúng như hai câu thơ báo trước của lão tiều phu.
Sponsored content

Sponsored content



Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang - Page 2 Empty Re: Điển hay tích lạ - Nguyễn Tử Quang

Chuyển đến trang : Previous  1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8  Next



Quyền viết bài:
Bạn không có quyền trả lời bài viết